AMITABHA MANTRA - THẦN CHÚ A-DI-ĐÀ

  1. Trang chủ
  2. Sản phẩm
  3. VIDEO CLIP
  4. AMITABHA MANTRA - THẦN CHÚ A-DI-ĐÀ

Giới thiệu

HỌC CHÚ VÃNG SANH QUYẾT ĐỊNH CHƠN NGÔN

THẦN CHÚ VÃNG SANH BẢN PHẠN NGỮ & VIỆT NGỮ

CHÚ VÃNG SANH BẢN TIẾNG PHẠN

        1. Namo Amitābhāya (Cách đọc: Na-mô A-mi-ta-pha-gia)
        2. Tathāgatāya (Cách đọc: Ta-tha-ga-ta-gia)
        3. Tadyathā (Cách đọc: Ta-di-gia-tha)
        4. Amṛtodbhave (Cách đọc: A-mờ-rật-tô đờ-pha-vê)
        5. Amṛta-siddham-bhave (Cách đọc:A-mờ-rật-ta sam-pha-vê)
        6. Amṛta-vikrānte (Cách đọc: A-mờ-rật-ta vi-kờ-răm-tê)
        7. Amṛta-vikrānta gamini (Cách đọc: A-mờ-rật-ta vi-kờ-răm-ta ga-mi-ni)
        8. Gagana, kīrtti kare, Svāhā (Cách đọc: Ga-ga-na kít-ti ka-rê Sờ-va-ha)

THẦN CHÚ VÃNG SANH TIẾNG HÁN

(Bản thường tụng tại các chùa)

        1. Nam-mô a di đa bà dạ
        2. Ða tha dà đa dạ
        3. Ða điệt dạ tha.
        4. A di rị đô bà tỳ
        5. A di rị đa tất đam bà tỳ
        6. A di rị đa tì ca lan đế
        7. A di rị đa, tì ca lan đa, Dà di nị
        8. Dà dà na, Chỉ đa ca lệ, Ta bà ha.

CHÚ VÃNG SANH BẢN TIẾNG VIỆT

        1. Quy mệnh Vô Lượng Quang (A Di Đà)
        2. Như Lai
        3. Như vậy, liền nói Chú là
        4. Cam Lộ hiện lên
        5. Cam Lộ phát sinh
        6. Cam Lộ dũng mãnh
        7. Đạt đến Cam Lộ Dũng mãnh
        8. Rải đầy Hư Không, thành tựu cát tường.

Ý NGHĨA CỦA CHÚ VÃNG SANH

Vãng sanh quyết định chơn ngôn hay Vãng sanh Tịnh độ thần chú là mật ngôn được trì niệm phổ biến trong các khóa lễ Tịnh độ, cầu siêu. Thần chú này có tên đầy đủ là Bạt nhất thiết nghiệp chướng căn bản đắc sanh Tịnh độ Đà la ni. Cứ vào tên của Đà la ni (Tổng trì, thâu nhiếp vạn pháp, tạm gọi là chơn ngôn hoặc thần chú) cho biết thần chú này có công năng phá trừ tất cả nghiệp chướng căn bản, để được vãng sanh về Cực lạc.

Theo kinh Niệm Phật Ba la mật, phẩm thứ 7 (HT.Thích Thiền Tâm dịch), Bồ tát Phổ Hiền vì thương xót chúng sanh thời mạt pháp nên nói Đà la ni này để trợ duyên được mau vãng sanh về Tịnh độ: “Lúc bấy giờ, Ngài Phổ Hiền Đại Bồ tát bạch Phật rằng: Thưa Thế Tôn! Con nay vì thương tưởng chúng sanh nơi thời mạt pháp, khi ấy kiếp giảm thọ mạng ngắn ngủi, phước đức kém thiếu, loạn trược tăng nhiều, kẻ chân thật tu hành rất ít. Con sẽ ban cho người niệm Phật thần chú Đà la ni này để thủ hộ thân tâm, nhổ tận gốc rễ nghiệp chướng, trừ sạch phiền não, được mau chóng sanh về Cực lạc, gọi là Bạt nhất thiết nghiệp chướng căn bản đắc sanh Tịnh độ Đà la ni. Liền nói chú rằng:

Namo Amitābhāya Tathāgatāya Tadyathā: Amṛtodbhave, Amṛta-siddham-bhave, Amṛta-vikrānte, Amṛta-vikrānta gamini Gagana, kīrtti kare, Svāhā.

Người niệm Phật phải giữ giới, ăn chay, thân khẩu ý đều phải thanh tịnh. Ngày đêm sáu thời, mỗi thời tụng 21 biến. Như vậy, diệt được các tội tứ trọng, ngũ nghịch, thập ác và hủy báng Chánh pháp. Thường được Phật A Di Đà hiện trên đỉnh đầu. Hiện đời an ổn, phước lạc. Khi trút hơi thở cuối cùng được tùy nguyện vãng sanh. Trì tụng đến ba chục ngàn biến liền thấy Phật ngay trước mặt”.

Xưa nay, phần lớn những hành giả tu tập pháp môn Tịnh độ thường trì niệm thần chú Vãng sanh theo phiên âm tiếng Hán. Chúng ta có thể trì niệm theo nguyên văn tiếng Phạn (đã phiên âm) và tìm hiểu đôi chút về “ý nghĩa” của thần chú này.

SỰ LINH ỨNG CỦA THẦN CHÚ VÃNG SANH:

Bài Chú Vãnh Sinh được trích từ kinh Bạt Nhất Thế Nghiệp Chướng Căn Bản Đắc Sinh Tịnh Độ Đà Ra Ni. Tụng chú này tức là diệt các tội nặng ngũ nghịch, thập ác và báng pháp. Tụng chú này là ủng hộ không cho các oan hồn nhiễu hại, được yên ổn vãng sanh, được diện kiến Đức Phật A Di Đà. Chú vãng sanh công năng thật huyền diệu, nhưng cũng thật là bí mật, đúng với danh xưng “mật chú”, khó mà cảm nhận được sự hiển linh của lời chú này.

Như vậy, Bồ tát Phổ Hiền trong pháp hội tại Linh Sơn đã vì chúng sanh đời mạt pháp về sau mà xin phép Thế Tôn tuyên thuyết thần chú Vãng sanh. Theo lời dạy của Bồ tát, nếu có người nào phát nguyện sanh về Cực lạc nhưng vì phước mỏng nghiệp dày, niệm Phật chưa đạt đến nhất tâm thì có thể nương nhờ công đức của thần chú Vãng sanh để được như nguyện. Hành giả thực hành trai giới, giữ ba nghiệp: thân, miệng, ý thanh tịnh; mỗi ngày trì niệm 6 thời, mỗi thời 21 biến thì chắc chắn tiêu trừ tất cả nghiệp chướng, cho dù là ngũ nghịch hay thập ác tội chướng.

Thần chú Vãng sanh có tầm quan trọng như thế, nên người tu pháp môn Tịnh độ luôn trì niệm nhằm thú hướng Lạc bang.

* * *

LỢI ÍCH TRÌ CHÚ VÃNG SANH TỊNH ĐỘ NGHIỆP CHƯỚNG TIÊU TRỪ

HIỆU QUẢ LỰC TỤNG NIỆM THẦN CHÚ VÃNG SANH

Từ xưa đến nay, trong chốn tòng lâm tu Tịnh độ bên Trung hoa hay Việt nam các vị Ðại sư, trong giới Cư sĩ trì tụng thần chú Vãng sanh không như tụng kinh Pháp Hoa, kinh Hoa Nghiêm, hay kinh Niết Bàn… nhất là không tụng giống âm điệu tụng sám.

Mà phải đọc tụng thuần thục, nhuần nhuyễn như âm vang, tụng nhanh từng chữ như gió thổi cờ bay phần phật, âm điệu như làn nước phun nhẹ tắm mát tinh thần, như mặt trời sưởi ấm giữa giá đông, như siêu độ các âm hồn siêu thóat, tĩnh lặng như hóa giải các nghiệp chướng trần lao, như cãm nhận sự linh nghiệm của thần chú.

Có khi tụng vượt ra khỏi việc tính đếm công cứ, tụng hòai tụng mãi không biết bao nhiêu lần, thường là những người tu tụng thần chú thuần thục thì không còn tính theo công cứ đếm bao nhiêu biến nữa, mà tính bằng giờ phút.

Hành giả vừa tụng vừa cầu cho pháp giới thanh tịnh, tâm thanh tịnh thì pháp giới thanh tịnh, pháp giới thanh tịnh tức là cõi Tịnh độ của Phật A Di Ðà xuất hiện.

Kinh Viên Giác, Phật dạy: “Tùy kỳ tâm tịnh, tức Phật độ tịnh”, tâm hành giả thanh tịnh, thì pháp giới xung quanh thanh tịnh. Thế nên người tu dù tu lâu hay mới tu, mình cứ thực tập thiền tụng, thì pháp giới tu, không mời gọi họ vẫn tìm đến học Phật pháp để tu; mời gọi họ tu sẽ đi ngược lại lời giáo hóa của Phật:

“Đạo Phật là đạo giác ngộ, tự mình giác ngộ lý chơn mà tu hành, Ðạo Phật không phải là đạo thờ cúng, lạy bái theo hình thức rườm rà, hoặc giới thiệu rủ rê mọi người đến chùa đi cúng Phật, thờ phượng cho lấy có, có người hướng dẫn xin phép làm ăn, sử dụng bùa chú theo tà pháp, tác nghiệp lổ bang nhởn nhơ trước cửa Phật, làm lủng đoạn suy hoại chánh pháp, mượn đạo tạo đời…”, cũng không nên mượn Ðức Phật để làm thần tượng thờ cúng bái lạy, trở thành tập tục mê tín dị đoan, tin mà không thành tựu theo ước nguyện thì niềm tin bị lung lay, bỏ đạo. Người tín đồ như thế gọi là không đủ phẩm chất, không chất lượng.

Người phát nguyện trì tụng thần chú vãng sanh, vì là thần chú ngắn ít chỉ có 59 chữ, nên ngòai việc tụng niệm công cứ ở trong thời điểm tập tu, các liên hữu tại gia nên tính đến thời gian, hoặc tính theo cây nhang đang đốt trên lư hương, có thể tụng thần chú tàn cả cây nhang thì không phải bị chăm chú theo dõi coi “Chừng nào xong” đấy là một bệnh trầm kha của người tu.

Có thể khuyên trong giới cư sĩ mổi ngày tụng 1 lần, mỗi lần tụng 30 phút; trường họp nhập thất bảy ngày thì phát nguyện tụng thần chú mỗi ngày 4 thời khóa (sáng tối trưa chiều), mỗi thời khóa 1 tiếng đồng hồ; các liên hữu cao tuổi nhưng có sức khỏe, không bận rộn việc nhà, việc gia đình ổn định có thể nhập thất ba tuần lễ, nhập thất bảy tuần lễ, thọ trì đúng cách thì nghiệp chướng sâu nặng bao nhiêu nhất định cũng tiêu trừ. Làm đệ tử Phật phát nguyện tụng suốt đời thì rất quý báu.

LỢI ÍCH TRÌ CHÚ VÃNG SANH QUYẾT ĐỊNH CHƠN NGÔN

Người trì chú mà nhất tâm thì tự nhiên có sự linh ứng, trường họp có những vị không thông suốt chữ nghĩa, có khi tụng sai sót đôi chút không tổn hại, Phật vẫn chứng minh. Thần chú vãng sanh không làm trở ngại các pháp môn tu chính của những người con Phật.

Thọ trì thần chú vãng sanh, không nên quan niệm chỉ riêng cầu cho người qua đời, mà người hiện tiền không trì chú vãng sanh thì không dứt nghiệp chướng, nghiệp lực tuy không hình bóng nhưng không nhẹ nhàng chút nào, nhưng nếu phát tâm trì tụng thần chú vãng sanh thì nghiệp chướng tiêu trừ, thân tâm thư thái, dũng mãnh siêng tu các pháp môn khác, điều ngự các nghiệp chướng trong nhiều đời nảy sanh, chuyển hóa tâm hung ác thành thánh thiện, giúp người tu có cơ sở giải thóat những nghiệp lực hiện tiền.

Thần chú vãng sanh là chú lực của hành giả Mật tông, nhưng vẫn là pháp tu chánh của các liên hữu tu Tịnh độ, khi phát nguyện trì tụng không cần phải lập đàn, kiết giới, kiết ấn. Một cách khác, có thể tùy nghi đọc tụng mọi lúc mọi nơi, vừa hộ mình vừa hộ cho các âm hồn người đã khuất, xây dựng niềm tin Phật pháp cho mọi người, làm nảy sanh sinh khí trong đời sống thường nhựt.

LỜI PHÁT NGUYỆN CẦU VÃNG SANH TỊNH ĐỘ

Trong mỗi thời khóa Tịnh Độ, sau khi trì niệm, hành giả liền lễ Phật cầu chứng minh, rồi quỳ xuống đọc lời văn sám nguyện hồi hướng.

Phần này rất quan trọng, vì là lúc dùng tâm niệm mình đem công đức đã tu quy hướng về nơi mình mong muốn. Như chiếc thuyền trôi đi, tuy do kẻ chèo hay động cơ thúc đẩy, nhưng nó đến tiêu điểm nào là bởi người lèo lái.

Phần phát nguyện của người tu Tịnh Độ, tức là giai đoạn dùng tâm niệm lái con thuyền niệm Phật hướng về Tây Phương. Nhưng có nhiều liên hữu không chú ý tới điểm này, lại tuyên đọc những bài văn có tính cách khuyến tu hơn là sám nguyện.

 Đại để như các bài: “Chốn thảo lư an cư dưỡng tánh” hay “Cuộc hồng trần xây vần quá ngán”. Kiếp phù sinh tụ tán mấy lăm hồi” chẳng hạn. Đọc như thế là đã đi sai với nghi thức tu Tịnh Độ. Nay xin giới thiệu ra đây ít bài phát nguyện cầu vãng sanh Tịnh Độ của tiên đức khi xưa.

Về văn phát nguyện, có vị thích lời văn dài để nương theo đó mà sanh tâm khẩn thiết, có vị lại ưa lời văn ngắn gọn mà đầy đủ ý nghĩa cầu sanh. Vì thế, bút giả xin chọn lựa hai bài theo tiêu chuẩn trên diễn dịch ra, để mong đáp ứng phần nào sở thích của hàng liên hữu.

BÀI PHÁT NGUYỆN CẦU VÃNG SANH TỊNH ĐỘ CỦA LIÊN TRÌ ĐẠI SƯ

Cúi lạy phương Tây cõi An LạcTiếp dẫn chúng sanh Đại Đạo Sư,Nay con phát nguyện, nguyện vãng sanhNhờ lượng từ bi thương nhiếp thọ!

Nay con khắp vì, bốn ân ba cõi, pháp giới chúng sanh, cầu đạo Bồ Đề, Nhất Thừa của Phật; Chuyên tâm trì niệm, hồng danh muôn đức, Phật A Di Đà, nguyện sanh Tịnh Độ. Lại bởi chúng con, nghiệp nặng phước khinh, chướng sâu huệ cạn, nhiễm tâm dễ động, tịnh đức khó thành. Nay đối Từ Tôn, kính gieo năm vóc, bày tỏ một lòng, chí thành sám hối.

Con và chúng sanh, khoáng kiếp đến nay, mê bản tịnh tâm, buông tham sân si, nhiễm dơ ba nghiệp; Vô lượng vô biên, tội cấu đã gây; Vô lượng vô biên, nghiệp oan đã kết, nguyện đều tiêu diệt. Nguyện từ hôm nay, lập thệ nguyện sâu, xa lìa pháp ác, thề không còn tạo. Siêng tu đạo thánh, thề chẳng biếng lui, thề thành chánh giác, thề độ chúng sanh. Xin đức Từ Tôn, dùng nguyện từ bi, chứng biết lòng con, thương xót đến con, gia bị cho con.

Nguyện khi thiền quán, hoặc lúc mộng mơ, được thấy thân vàng, A Di Đà Phật; Được chơi cõi tịnh, của đấng Đạo Sư, được nhờ Từ Tôn, cam lộ rưới đầu, quang minh chiếu thể; Tay xoa đảnh con, áo đắp thân con, khiến cho chúng con, chướng cũ tự trừ; Căn lành thêm lớn, mau tiêu phiền não, chóng phá vô minh; Viên giác tâm mầu, sáng bừng mở rộng, tịch quang cảnh thật, thường được hiện tiền.

Đến lúc lâm chung, biết ngày giờ trước, thân không tất cả, bịnh khổ ách nạn; Tâm dứt tất cả, tham luyến mê hoặc, các căn vui đẹp, chánh niệm phân minh; Xả báo an lành, như vào thiền định. Phật A Di Đà, Quán Âm Thế Chí, cùng chư Hiền Thánh, ánh lành tiếp dẫn; Tay báu dắt dìu, lầu các tràng phang, nhạc trời hương lạ; Tây Phương cảnh Phật, bày hiện rõ ràng.

Khiến cho chúng sanh, kẻ thấy người nghe, mừng vui khen cảm, phát Bồ Đề tâm. Bấy giờ thân con, ngồi đài Kim Cang, bay theo sau Phật; Khoảng khảy ngón tay, sanh vào sen báu, nơi ao Thất Bảo, ở cõi Tây Phương.

Rồi khi hoa nở, thấy Phật Bồ Tát, nghe tiếng pháp mầu, chứng Vô Sanh Nhẫn; Giây phút lại đi, thừa sự chư Phật, nhờ ân thọ ký. Được thọ ký xong, ba thân bốn trí, năm nhãn sáu thông; Vô lượng trăm ngàn, môn Đà Ra Ni, tất cả công đức, thảy đều thành tựu.

Từ đó về sau, không rời An Dưỡng, trở lại Ta Bà, phân thân vô số, khắp cả mười phương; Dùng sức thần thông, tự tại khó nghĩ, và các phương tiện, độ thoát chúng sanh; Đều khiến lìa nhiễm, chứng được tịnh tâm, đồng sanh Tây Phương, lên ngôi Bất Thối.

Nguyện lớn như vậy, thế giới không tận, chúng sanh không tận; Nghiệp và phiền não, thảy đều không tận, đại nguyện của con, cũng không cùng tận. Nay con lễ Phật, phát nguyện tu trì, xin đem công đức, hồi thí hữu tình; Bốn ân khắp báo, ba cõi đều nhờ, pháp giới chúng sanh, đồng thành chủng trí.

BÀI PHÁT NGUYỆN CẦU VÃNG SANH TỊNH ĐỘ CỦA TỪ VÂN SÁM CHỦ

Một lòng quy mạng, thế giới Cực Lạc, Phật A Di Đà. Xin đem ánh tịnh, soi chiếu thân con, dùng nguyện từ bi, mà nhiếp thọ con. Nay con chánh niệm, xưng hiệu Như Lai, vì đạo Bồ Đề, cầu sanh Tịnh Độ. Xưa Phật lập thệ: ‘Nếu chúng sanh nào, muốn về nước ta, hết lòng tin ưa, xưng danh hiệu ta, cho đến mười niệm; Như không được sanh, ta không thành Phật.’

Nay con nguyện nương, nhân duyên niệm Phật, được vào biển thệ, của đức Như Lai; Nhờ sức Thế Tôn, tiêu trừ các tội, thêm lớn căn lành. Con nguyện lâm chung, biết ngày giờ trước; Thân không bịnh khổ, tâm không tham luyến, ý không điên đảo, như vào thiền định.

Phật cùng Thánh chúng, tay bưng đài vàng, đến tiếp dẫn con. Trong khoảng sát na, con về Cực Lạc, hoa nở thấy Phật; Được nghe Phật Thừa, tỏ thông Phật huệ, độ khắp chúng sanh, mãn Bồ Đề nguyện.

Xin đem công đức trì tụng này, Hồi hướng bốn ân và ba cõi, Nguyện khắp pháp giới các chúng sanh, Đều sanh Cực Lạc thành Phật đạo.

LƯU Ý LỜI PHÁT NGUYỆN CẦU VÃNG SANH TỊNH ĐỘ

Ngoài hai bài văn trên, còn có bài văn sau đây mà trong quyển Phật Thất Nghi cho là xưa nay đã có rất nhiều linh cảm. Có vị đang lúc đọc lời phát nguyện cầu vãng sanh Tịnh Độ này, bỗng thấy các tướng lành; Có vị trong giấc mơ thấy Phật A Di Đà phóng quang chiếu soi. Những sự cảm ứng như thế rất nhiều, không thể thuật ra hết.

ĐÂY LÀ BÀI NGUYỆN VĂN ẤY:

Đệ tử chúng con, hiện là phàm phu; Trong vòng sanh tử, tội chướng sâu nặng, luân chuyển sáu đường, khổ không nói được. Nay gặp tri thức, được nghe danh hiệu, bản nguyện công đức, của Phật Di Đà; Một lòng xưng niệm, cầu nguyện vãng sanh.

 Nguyện Phật từ bi, xót thương chẳng bỏ, phóng quang nhiếp thọ. Đệ tử chúng con, chưa biết thân Phật, tướng tốt quang minh; Nguyện Phật thị hiện, cho con được thấy. Lại thấy tướng mầu, Quán Âm Thế Chí, các chúng Bồ Tát và thế giới kia; Thanh tịnh trang nghiêm, vẻ đẹp quang minh, xin đều thấy rõ.

Con nguyện lâm chung không chướng ngại,A Di Đà đến rước từ xa.Quán Âm cam lồ rưới nơi đầuThế Chí kim đài trao đỡ gót.Trong một sát na lìa ngũ trược,Khoảng tay co duỗi đến liên trì.Khi hoa sen nở thấy Từ TônNghe tiếng pháp sâu lòng sáng tỏ.Nghe xong liền ngộ Vô Sanh Nhẫn,Không rời An Dưỡng lại Ta Bà.Khéo đem phương tiện lợi quần sanhHay lấy trần lao làm Phật sự,Con nguyện như thế Phật chứng tri.Kết cuộc về sau được thành tựu.

LỜI PHÁT NGUYỆN CẦU VÃNG SANH TỊNH ĐỘ GIẢN LƯỢC

Nếu người dốt chữ, ký ức kém, không thể ghi nhớ dài dòng, nên khuyên dạy họ học thuộc lòng câu phát nguyện sau đây:

“Ngày… tháng… năm…, đệ tử… Nguyện đem công đức này cầu khi mãn phần được Phật tiếp dẫn về Cực Lạc. Để trên thành Phật đạo, dưới độ chúng sanh.”

Lời phát nguyện cầu vãng sanh Tịnh độ vắn tắt kèm theo ngày tháng năm như trên, có tác dụng gây ý thức mạnh; Khiến người niệm Phật lúc nào tâm tư cũng hướng về Cực Lạc, hằng nhớ đến sự vãng sanh. Chi tiết nhỏ này cũng là một phương tiện làm cho sức nguyện thêm mạnh mẽ bền chắc.

LỜI BÀN:

Phàm lời phát nguyện cầu vãng sanh Tịnh Độ, phải từ trong thâm tâm khẩn thiết nói ra. Nếu chỉ tùy tiện đọc cho xong, lòng không khẩn thiết, tất hạnh niệm Phật cũng khó chân thành.

Ấn Quang pháp sư đã bảo: “Thành khẩn là yếu tố để đi đến nhất tâm bất loạn. Có một phần thành khẩn, tiêu một phần tội nghiệp, sanh một phần phước huệ. Có mười phần thành khẩn, tiêu mười phần tội nghiệp, sanh mười phần phước huệ.” Người xưa cũng nói: “Thành tâm sở chí, kim thạch vị khai”; Ý nói: Sức thành khẩn hướng đến đâu, có thể chẻ núi phá vàng đến đó.

(Lời phát nguyện cầu vãng sanh Tịnh Độ – Theo Niệm Phật thập yếu)

Bình luận

Không có đánh giá nào cho sản phẩm này.

Chú ý: Không sử dụng các định dạng HTML!
    Chưa tốt           Tốt